Kỹ thuật nuôi cá nàng hai (Cá Thát Lát Còm)




KỸ THUẬT NUÔI CÁ NÀNG HAI ( CÁ THÁT LÁT CÒM)
I. Một số đặc điểm sinh hoc:
1. Giới thiệu:

       Cá nàng hai là một loài cá thuộc họ cá thát lát. Loài này sinh sống ở Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Nó được nhập nội vào Hoa Kỳ. Thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ hơn.
Cá thường sống ở vùng cửa sông, kênh, rạch, ao, hồ, đồng ruộng. Cá chịu được môi trường nước có lượng oxy và pH thấp. Cá cũng có thể sống được ở các đầm nước lợ ven biển
       Ở Việt Nam cá nàng hai xuất hiện từ miền trung trở vào phía nam. Tất cả các thủy vực ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều có cá phân bố.

2. Đặc điểm dinh dưỡng:

      Cá nàng hai là loài cá ăn tạp, thiên về thức ăn động vật như: giáp xác, nhuyễn thể, cá con, phiêu sinh vật và cả rể cây thủy sinh trong nước...

3. Đặc điểm sinh trưởng:

        Cá nuôi một năm có thể đạt trọng lượng 1-1,2kg, hệ số chuyển đổi thức ăn khoảng 1,5-1,8. Cá nuôi 6 tháng là có thể thu bắt để chế biến cá chả xuất khẩu, trọng lượng trung bình mỗi con đạt 500-700g.

4. Đặc điểm sinh sản:

       Cá một năm tuổi nặng 1-1,2kg, 2 năm tuổi nặng 2kg và 3 năm tuổi nặng 3-4kg là thành thục sinh dục. Tập tính sinh sản như cá nàng hai là có thể cho sinh sản nhân tạo hoặc kết hợp dùng thuốc kích dục cho đẻ tự nhiên, đã có nhiều cơ sở ở ĐBSCL và TP. HCM sản xuất giống này nhưng chưa đại trà, chủ yếu phục vụ nuôi cá cảnh vì những bông màu sắc đẹp có trên phần thân sau của cá, những con cá đặc biệt có nhiều bông nặng 2-3kg là quý, giá rất cao.
       Cá sinh sản trong mùa mưa và đẻ từ 5.000-7.000 trứng/kg cá cái, sau 7 ngày trứng nở trong điều kiện dồi dào oxy và nhiệt độ ổn định từ 28-31oC, cá có thể tái phát dục và đẻ thêm một lần nữa trong mùa mưa. Cá con ăn phiêu sinh vật, trùng chỉ, tép, ruốc sông, cá tạp, cá trưởng thành ăn mồi tạp thiên về động vật. Cá tăng trưởng tốt trong môi trường nước có pH 7-8, nhiệt độ từ 28-30oC, hàm lượng oxy trên 5mg/lit và chịu được nước nhiễm mặn trên 0.3%. Cá sống thành đàn, không hung dữ.

II. Kỹ thuật nuôi cá nàng hai (Thát lát còm)

1. Điều kiện ao:

- Ao gần nguồn nước ngọt sạch, không bị ô nhiễm, điều kiện cấp thoát nước thuận lợi.
- Chọn nơi có vùng đất không bị nhiễm phèn, thoáng mát, nhiều ánh sáng, gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ.
- Diện tích ao 2000-5000 m2. Ao có hình chữ nhật, tỷ lệ chiều dài và chiều rộng là 2:1 hoặc 3:1 để dễ chăm sóc và thu hoạch.
- Độ sâu từ 1,2-1,5 m, mỗi ao nên có cống cấp thoát riêng.

2. Chuẩn bị ao

2.1 Đối với ao cũ:

      Tát cạn, nạo vét cao chừa lớp bùn đáy 15-20cm, vệ sinh sạch cỏ xung quanh ao, lấp các hang hốc, không để có mọi rò rỉ, sau đó bón vôi từ 7-10kg/100m2 và phơi nắng từ 2-3 ngày tiến hành cấp nước vào ao qua lưới lọc với mức nước từ 1,2-1,5m. Sau đó bón phân gây màu nước: phân chuồng 5-10kg/100m2 ao nuôi, phân hóa học (NPK) 3-4kg/1000m2.

2.2 Đối với ao mới:

      Sau khi xây dựng ao xong, cho nước vào tháo rửa ao 2-3 lần để rửa bớt phèn có trong ao. Tiến hành rải vôi ở khắp đáy ao và mái bờ. liều lượng vôi tùy thuộc vào độ phèn của ao. Nếu ao ít phèn (pH trên 4,5) dùng  7-10kg/100m2. Bón phân gây màu nước liều lượng cao hơn so với ao cũ: phân chuồng 10-15kg/100m2 ao nuôi, phân hóa học (NPK) 4-6kg/100m2.

2.3 Diệt tạp:

     Đối với những ao không có điều kiện tháo nước cạn, trong ao có nhiều cá tạp thì dùng rễ cây thuốc cá dập kỹ ngâm một đêm vắt lấy nước pha loãng tạt đều khắp ao, liều lượng 1kg rễ/1000m3 nước hoặc dùng saponin liều lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì để diệt hết cá tạp, cá dữ còn trong ao. Thời gian xử lý thuốc tốt nhất là vào lúc 7-8h sáng. Chú ý sau khi xử lý thuốc diệt cá phải để 7-10 ngáy sau mới thả cá giống.

2.4. Cấp nước vào ao:

- Lấy nước vào ao qua lưới lọc để đạt độ sâu 1,2-1,5m
- Trước khi thả cá giống cần kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh phù hợp như sau: nhiệt độ từ 26-32oC, pH từ 7-8, độ trong từ 30-40cm, oxy hòa tan trên 5mg/lit,...

3. Chọn và thả giống

- Chuẩn bị giống: chọn giống phải có kích cỡ đồng đều ( chiều dài của cá có thể chênh lệch 0,1cm, không được vượt quá 0,2 cm), không bị xây xát. Giống khỏe mạnh thành bơi thành nhóm, trốn trong giá thể, không bơi lội rời rạc.
- Thả giống: nên thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, trước khi thả phải ngâm túi chứa cá vào ao khoảng 15-20 phút, tránh gây sốc cá do chênh lệch nhiệt độ nước giữa ao nuôi và trong bao. Trước khi thả tắm cá trong nước muối 2-3% trong 3-5 phút có sục khí.
- Kích cỡ thả giống: cỡ 6-8cm.
- Mật độ thả: 10con/m2. Ngoài ra nên thả ghép với một số đối tượng cá khác như: cá mè, cá trôi,
chép,... với tỷ lệ 10%.

4. Thức ăn và cách cho ăn

- Thức ăn: thức ăn cho cá là các loài động vật tươi sống như: tôm, tép, cá nhỏ băm nhuyễn cộng với chất kết dính (bột dẻo hay bột gòn) để cho ăn.
- Cách cho ăn: nên cho cá ăn bằng sàng để theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Khẩu phần thức ăn bằng 5-10% trọng lượng cá thả nuôi. Nên cho ăn 2 lần/ngày, do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên cho ăn vào buổi sáng lượng thức ăn bằng 1/3 khẩu phần ăn trong ngày, buổi chiều bằng 2/3 trọng lượng khẩu phần ăn trong ngày.
+ Thức ăn 45 ngày đầu là cá tạp xay nhuyễn, bổ sung thêm Vitamin A, D, E + chất kết dính tránh làm thức ăn tan trong nước, có thể dùng thức ăn viên công nghiệp.
+ Sau 45 ngày tuổi: cắt nhỏ thức ăn, không nên xay nhuyễn vì có thể cá làm hao hụt thức ăn trong nước và tiếp tục thay đổi cỡ thức ăn theo độ lớn của cá.

5. chăm sóc, quản lý

5.1  Quản lý các yếu tố môi trường:

- Trong quá trình nuôi thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường trong ao, đảm bảo sao cho:
+ Nhiệt độ: 28-30oC
+ pH: 7-8
+ Độ sâu: 1,2-1,5m
+ Độ trong: 35-40cm
+ Hàm lượng oxy hòa tan: lớn hơn 5mg/lít.
Hằng ngày quan sát bờ ao, cống và mọi hoạt động của cá để khi có sự cố xảy ra xử lý kịp thời

5.2 Thay nước - Cấp nước:

- Tháng đầu không thay nước.
- Từ tháng thứ 2 trở đi mỗi tháng thay 2-3 lần, mỗi lần thay 30-50%.
- Ngoài ra, có những trường hợp cần phải thay nước ngay như độ trong quá thấp hoặc có nhiều bọt khí ở góc ao cuối gió, mỗi lần thay khoảng 50%.
- Buổi sáng trời âm u, cá thường bơi ngớp thành đàn trên mặt nước là do cá bị thiếu oxy, những lúc này nên cấp thêm nước hoặc thay một ít nước cho ao.
      Hằng ngày theo dõi lượng thức ăn để điều chỉnh phù hợp, quan sát hoạt động của cá, định kỳ cấp nước mới cho ao nuôi... Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và điều chỉnh kịp thời, nếu điều kiện môi trường không đảm bảo cá sẽ giảm ăn và nhiễm bệnh.

6. Thu hoạch

     Cá nàng hai nuôi với thức ăn đủ chất và lượng sau 1 năm có thể đạt được trọng lượng từ 1-1,2kg/con. Lúc này có thể thu hoạch cá bán thương phẩm. Cá nàng hai do bản tính ẩn núp, chui rút trong vật bám nên rất khó kéo lưới, cách thu hoạch tốt nhất là tháo nước bớt, kéo lưới thu một số sau đó tát cạn nước bắt toàn bộ.

III. Một số bệnh thường gặp

     Cá nàng hai là loài cá dễ nuôi, rất ít bệnh tật, cá có sức đề kháng cao và có khả năng chịu được những biến động của môi trường. Khi nuôi ở mật độ thưa thì hầu như cá không bị bệnh. Nhưng khả năng thích ứng của cá cũng có giới hạn, khi nuôi cá với mật độ cao thì cá bắt đầu xuất hiện một số bệnh. Cá khỏe thường tập trung thành từng đàn, ẩn nấp vào các giá thể, đớp khí mạnh và lặn nhanh. Khi cá bơi tản mạn và ngoi lên mặt nước bơi chậm chạp đó chính là dấu hiệu cá bị bệnh. Cá nàng hai nuôi thâm canh thường xuất hiện một số bệnh sau:

 1. Bệnh nấm thủy mi:

1.1 Dấu hiệu bệnh lý:

     Da cá xuất hiện vùng trắng xám có những sợi nấm nhỏ mềm, sợi nấm phát triển mạnh đan chéo nhau thành búi như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

1.2 Cách chữa trị:

 Có hai phương pháp chữa trị hiệu quả và an toàn cho cá như sau:
- Tắm cá trong nước muối 2-3% từ 5-10 phút
- Dùng dung dịch Formaline hoặc Avaxide 1ppm phun xuống ao.
2. Bệnh trùng bánh xe:

2.1 Dấu hiệu bệnh lý:

     Da cá màu xám, thân có nhiều nhớt màu hơi trắng đục.

2.2 Cách chữa trị:

- Dùng Avaxide 1ppm phun xuống ao.
 Tắm trong nước muối 2-3% từ 5-15 phút hoặc CuSO4 nồng độ 2-5ppm thời gian 5 - 15 phút.
- Phun trực tiếp CuSO4 nồng độ 0,5-0,7 ppm xuống ao.

3. Bệnh trùng quả dưa (đốm trắng):

3.1 Dấu hiệu bệnh lý:

    Thân cá có nhiều trùng bám thành hạt lấm tấm nhỏ màu trắng đục có thể nhìn bằng mắt thường cá nổi lên mặt nước lờ đờ.

3.2 Cách chữa trị:

- Dùng CuSO4 nồng độ 0,5-1 ppm xuống ao.

* Chú ý: trước khi dùng thuốc chữa bệnh cho cá thì nên thay 50% lượng nước trong ao để tăng hiệu quả sử dụng thuốc.

HIỆN TRẠI GIỐNG CHÚNG TÔI CÓ ĐẦY ĐỦ CỠ GIỐNG CÁ THÁC LÁT CÒM. BÀ CON NÀO CÓ NHU CẦU THẢ GIỐNG XIN LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI. GIÁ CẢ THƯƠNG LƯỢNG

RẤT HÂN HẠNH ĐƯỢC PHỤC VỤ BÀ CON!